July 3, 2013

Khai báo thông tin cọc trong tệp tin NTD

Sau phần 1, chúng ta đã có được cái nhìn tổng quan về tệp tin *.NTD. Ở bài này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích cấu trúc của một dòng khai báo thông tin cọc.

Thông tin của mỗi cọc POLE phải đầy đủ để chúng ta xác định được 6 yếu tố:
  1. Tên cọc
  2. Cự ly cộng dồn (hoặc cự ly lẻ)
  3. Cao độ tự nhiên
  4. Cao độ thiết kế (nếu có)
  5. Bán kính cong nằm
  6. Góc chuyển hướng
Và đây cũng chính là 6 thành phần chính của một khai báo cọc.



Xem thêm nội dung của bài viết:

Mọi cọc trong tệp tin NTD đều có cấu trúc khai báo như sau:
POLE    LT 0+00    0.000    0.000    0.000    0.000    3.141592653590
POLE    LT 0+20    20.000    0.000    0.000    0.000    3.141592653590
POLE    LT 0+40    40.000    0.000    0.000    0.000    3.141592653590
POLE    LT 0+60    60.000    0.000    0.000    0.000    3.141592653590 


Như đã biết, một dòng khai báo gồm tiêu đề khai báo (luôn luôn có chữ "POLE") và 6 thành phần thông tin của một cọc.

Thành phần 01: Tên cọc


Có lẽ không cần phải giải thích Tên cọc là gì nữa, mà tôi chỉ nhắc lại một chút về điều kiện bắt buộc của tên cọc.

Như đã nói ở Phần 1: Dòng tiêu đề của tệp tin, một trong những lỗi hay gặp nhất khi dựng lại tệp tin NTD đó là lỗi thiếu cọc trong đường cong. Do đó, có 03 điều kiện phải thoả mãn của tên cọc:
  1. Tên cọc trong đường cong phải đặt theo tiêu chuẩn ND, TD, P, TC, NC.
  2. Thứ tự các cọc trong đường cong cũng phải lần lượt là ND->TD->P->TC->NC. Trong đường cong này, không được phép có cọc của đường cong khác xen giữa.
    Thông thường, tại những đường cong liên tiếp mà TC của đường cong trước trùng với TD của đường cong tiếp theo. Khi xuất ra tệp tin NTD, có thể thứ tự 2 cọc này bị đảo lộn mặc dù 2 cọc có cùng một lý trình. Do vậy, nếu gặp lỗi khi load tuyến, bạn nên chỉnh lại thứ tự cho đúng.
  3. Phải có đầy đủ cọc cho một đường cong.

Thành phần 02: Cự ly cộng dồn (hoặc cự ly lẻ)


Thành phần này cho biết khoảng cách của cọc hiện tại với cọc đầu tiên của tuyến (nếu là Cự ly cộng dồn) hoặc với cọc liền trước (nếu là Khoảng cách lẻ).

Khi sử dụng NOVA, nếu các bạn để ý sẽ thấy. Khi load tuyến từ tệp tin NTD, có một công việc bắt buộc phải làm là khai báo lý trình gốc (lệnh CS). Tại sao lại như vậy? Câu trả lời là trong tệp tin NTD không có một bit dữ liệu nào liên quan đến thông tin lý trình gốc.

Khi nào là Cự ly cộng dồn, khi nào là Khoảng cách lẻ?

Nhìn ở ví dụ trên, cột thứ 3 (từ trái sang) có các chỉ số tăng từ 0.00 -> 20.00 -> 40.00 ..., bạn có thể hiểu được đây chính là cự ly cộng dồn của cọc. Tuy nhiên, việc là Cự ly cộng dồn hay Cự ly lẻ lại được quy định tại một nơi khác - dòng tiêu đề TYPEINPUT (như đã đề cập ở phần 1).

Nhắc lại một chút: Tham số thứ 1 của dòng tiêu đề TYPEINPUT quy định khoảng cách giữa các cọc. Tham số này nhận giá trị 1 nếu là KC lẻ và 0 nếu là cộng dồn.

Thành phần 03: Cao độ tự nhiên cọc


Không giống như trên Trắc ngang, có 02 lựa chọn cao độ (cao độ tuyệt đối và chênh cao), cao độ trên Trắc dọc chỉ có duy nhất một lựa chọn là cao độ tuyệt đối.

Thành phần 04: Cao độ thiết kế


Cao độ thiết kế (CĐTK) có ứng dụng không nhiều (hoặc do tôi rất ít khi dùng). Một nhược điểm dễ nhận thấy nhất của CĐTK là nó không chạy liên tục trên 1 đoạn dốc, mà nó sẽ bị phân đoạn theo các cọc. Lý do là sai số tính toán (chưa kiểm chứng).

Thành phần 05: Bán kính


Thành phần này sẽ trở nên vô dụng với NOVA, bởi NOVA sẽ tính toán lại bán kính phù hợp nhất dựa trên Cự ly của các cọc trong đường cong và góc chuyển hướng tại cọc P. Việc này giúp công tác dựng số liệu có vẻ nhàn hạ hơn một chút, khi không phải nhập bán kính. Tuy nhiên, nó lại gây ra một vấn đề "nhức nhối" khác!

Các khoảng cách trong AutoCAD là chính xác gần như tuyệt đối, nhưng khi chuyển thành tệp tin NTD độ chính xác đã giảm xuống (theo thiết lập của hệ thống). Và từ những con số đó, qua các phép tính lượng giác (lại ẩn chứa sai số lần 2), kết quả nhận được sẽ là những bán kính chẳng giống ai.

Khi vẽ Trắc dọc (lệnh TD), có một công việc nhàm chán mà bạn phải thực hiện, đó là thay đổi bán kính điền (lệnh BKD). Chắc đến đây bạn đã hiểu tại sao bạn phải làm công việc ngớ ngần này rồi chứ? Liệu bạn còn muốn để NOVA tự ý tính toán bán kính nữa không? :)

Tuy nhiên, nếu bạn nào vẫn có ý định nhập bán kính thì bạn nên tuân theo quy tắc sau:
- Bán kính được nhập tại vị trí tương ứng của duy nhất cọc phân giác P (không nhập cọc nào khác trong đường cong).

Thành phần 06: Góc chuyển hướng


Giả sử đã tính được góc kẹp giữa 3 đỉnh D1-P2-D3 là A°.
- Nếu góc rẽ trái, thì điền giá trị A° (sau khi chuyển sang Radian).
- Nếu góc rẽ phải, điền giá trị 360°-A° (sau khi chuyển sang Radian).
- Nếu không chuyển hướng, giá trị điền mặc định là PI = 3.141592653590.

Lưu ý:
- Giống như bán kính, góc chuyển hướng chỉ được điền duy nhất tại cọc P (trong đường cong), hoặc đỉnh D (nếu không cắm cong).

Kết thúc phần 2, bạn đã nắm được 6 thành tố cơ bản của một khai báo thông tin cọc POLE. Trong phần cuối, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách khai báo một điểm mia trên trắc ngang.

Mong các bạn tiếp tục theo dõi!

Featured Post

Số hóa bản đồ nhà cửa trong AutoCAD | Sử dụng dữ liệu từ OpenBuildings | Ứng dụng GMI

Ứng dụng được phát triển bởi đội ngũ AutoLISP Thật là đơn giản       Thông tin thêm: 👉👉👉

Popular Posts